Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) dự báo nhập khẩu gỗ nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm còn 40% trong năm 2020 và xuống còn 25% nhu cầu vào năm 2030, so với tỷ lệ hiện tại là 80% nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Vifores cho biết, việc tuân thủ các đạo luật về nguồn gốc gỗ nguyên liệu do các quốc gia nhập khẩu đưa ra, nên nhập khẩu gỗ có suy hướng giảm và các doanh nghiệp đang bắt đầu phát triển theo hướng bền vững hơn thông qua việc đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng cho chế biến xuất khẩu.
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu gỗ tăng từ 151 triệu đô la Mỹ trong năm 2000 lên 1,3 tỉ đô la Mỹ trong năm 2011. Nhưng trong hai năm 2012 và 2013 nhập khẩu gỗ có xu hướng giảm. Năm 2012 kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này chỉ bằng 90% so năm 2011.
Gỗ được nhập chủ yếu từ 26 quốc gia, trong đó thị trường chính là Trung Quốc, Mỹ, Malaysia, Thái Lan, New Zeland và Lào. Vifores dự báo kim ngạch nhập khẩu gỗ trong cả năm 2013 sẽ tiếp tục giảm so với năm 2012.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện ngành đồ gỗ trong nước đang phải nhập khẩu tới 4 triệu m³ gỗ/năm, chiếm đến 80% tổng nguyên liệu sử dụng của toàn ngành cho xuất khẩu. Định hướng phát triển ngành gỗ trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh phát triển việc sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước theo chiến lược phát triển và quy hoạch chế biến gỗ đã được ban hành. Bên cạnh đó, ngành gỗ cũng tập trung sử dụng các sản phẩm từ ván nhân tạo và gỗ từ rừng trồng, phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời và đồ mộc mỹ nghệ nhằm tăng giá trị xuất khẩu cũng như giảm việc sử dụng nguyên liệu gỗ trong chế biến xuất khẩu